Mỗi lần đọc blog khoa học máy tính lại
học được một vài cái hay, phải công nhận viết blog phải hay ở chỗ người
không hiểu gì đến cả người hiểu tường tận vẫn nắm được vấn đề và vẫn học
hỏi được một cái gì đó từ bài viết, và những chuyện tưởng như siêu phức
tạp lại có thể diễn giải và làm cho dễ hiểu bởi những ví dụ đơn giản
tới không ngờ và bằng những ngôn từ không hề mang tính hàn lâm khó hiểu,
và có khi bình dân cũng nên.
Nhưng thôi đó là chuyện đọc blog. Chuyện tôi muốn nói là chuyện lụm nắp keng kia.
Tôi không biết người miền Bắc gọi nắm
keng là gì, nhưng tuổi nhỏ thủa còn trốn ngủ trưa đi dang nắng, tôi được
biết những cái nắp kim loại của chai bia hay chai nước ngọt thì gọi là
nắp keng; nói cho ai cũng hiểu thì nó là cái nắp chai và có thể miền Nam gọi là nút khoén.
Chao ôi cái thủa nhà nghèo không có tiền
(và cũng chả có chỗ nào bán) mua đồ chơi, thì cái chuyện đi lượm đồ chơi
theo mùa trở thành một thú vui vô cùng thiết yếu, mùa thả diều, mùa
búng thun, mùa chơi ná, mùa bắn bi, và một trong những cái mùa đó là mùa
chơi nắp keng.
Cái nắp keng là một trong những thứ thần
kì nhất mà tôi từng biết, phần nào của nó cũng hay: phần kim loại và
phần nỉ mềm mềm được lót bên trong, mà tui chơi cũng siêu đơn giản: lấy
nắp keng rồi dùng búa đập cho dẹt đều ra, xong lấy đinh đục thêm hai cái
lỗ nữa ở gần chính giữa, xỏ dây vào. Dây ở đây thường là dây xi măng,
có đứa bảo xài dây cước đi câu tốt hơn nhưng lúc đó tôi chưa được thấy
cái chỉ cước đó bao giờ, và lại dây xi măng thì tìm dễ hơn, trong đống
xà gồ của mấy công trình xây dựng hay mấy bao xi măng mà người ta ném
đi, rút ra từ khoảng 3 bao thì đủ để chơi đến hết mùa.
Cách làm kể ra cũng công
phu, phải lấy miếng lót ra trước không thì khi đập nó sẽ bị vênh rất
khó sửa, xấu xí, nhưng phải có móng tay dài hoặc tua-vít mượn đỡ của ba
để cạy ra, cạy được nguyên miếng phải là một đứa cực kì kiên nhẫn, hoặc
cực kì khéo, hoặc cực kì hên, tôi không được cái cực kì nào hết trong ba
cái cực kì đó nên thường tôi chấp nhận dùng đồ xấu xí, dùng búa đập cho
đến khi nào cái miếng đó nát ra và tự rơi đi thì thôi, kể ra thì miếng
nỉ lót mềm mềm ngó cũng đẹp, cũng hay nhưng không xài được gì nên tôi
cũng thường tự an ủi chính mình khi cái búa làm một lỗ to tướng trên nó
(miếng nỉ lót). Công đoạn “san bằng” thế là tạm xong.
Sau khi kiếm được cái nền xi măng bằng
phẳng và nện với 100% sự khéo léo, có khi được đền bù cả ngón tay sưng
vù vì búa phang trúng (gian nan lắm xD) và đập xong, công đoạn khoét lỗ
phải chuẩn, đẹp, và lắm công phu, phải làm lỗ nhỏ để không bị xấu, đủ to
để dây qua được và đục sao cho phần kim loại bị toe ra, khi lấy búa ghè
lại cho dẹt thì phần tiếp xúc với dây sẽ láng bóng, không thì chơi được
vài vòng sẽ bị đứt dây. Hai lỗ phải cực kì đối xứng tâm, không thì khi
quay sẽ bị rung, chả hay ho gì!
Cách chơi thì siêu đơn giản rồi, xỏ dây
vào và vòng hai đầu ngón cái hai đầu dây, quay cho nắp keng cuộc xoắn
dây lại xong dùng hai ngón cái kéo về hai phía cho phần cuốn lại đó “tự
giải thoát”, cứ thế hết vòng nó lại tự cuộn lại, lại giật ra. Cơ chế
hoạt động đơn giản vậy thôi.
Cách giáp lá cà cũng khá là “hổ báo”, hai
thằng quay cái nắp keng đấy, vừa quay vừa cứa vào nhau chá lửa lèng
xèng, và mục đích tối thượng của trò này là phải cứa
làm dây của thằng kia đứt trước mình (chính vì điểm này mà dây cước nghe
giang hồ đồn là xịn hơn dây xi măng). Thế nên đủ mẹo lập ra: nắp keng
to hơn (nắp lon nhớt chẳng hạn, thường thì nhà thằng nào có bố lái xe
mới có dư dả mà dùng), bén hơn (mài xoèn xoẹt), và nhanh hơn khi cận
chiến.
Hậu quả của trò này thì nhiều, nghe nói
có đứa bị nắp keng đang quay phang vào mặt khi nó bị đứt dây, máu me là
đương nhiên, còn thường tình hơn thì là tự cứa tay mình, cái này thì
đầy, nhưng chơi ngu thì mới vui. Càng ngu càng vui. Nên trò này phải nói
là một trong những trò vui nhất mà lũ trai 8x từng biết.
Vậy đấy, từ một ví dụ cho bitcoin: cái nút khoén làm tôi nhớ về nắp keng, rồi dẫn về mấy trò ngu hồi lâu, vui không thể tả hết.